006
Tôi bảo với Meniko rằng mình có thể mời cô ấy đi uống trà hay gì đó để cảm ơn, nhưng cô ấy lịch sự từ chối, nói rằng cô còn tiết học tiếp theo phải tham dự - mà tôi cũng vậy, nhưng khác với Meniko, tôi linh hoạt hơn. Việc tôi chẳng hề ngần ngại bỏ học vẫn y như hồi cấp ba.
Và đơn giản hơn, tôi không có thời gian để lãng phí.
Bởi vì đây là một hiện tượng kỳ quái có liên quan đến ma cà rồng, tôi cần phải làm hết sức mình trước khi mặt trời lặn — lo xa khỏi hoạ gần mà.
Dù sao thì, tôi từng suýt bị xé toạc bởi xác ướp đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, không rõ là nó còn sống hay đã chết.
Nếu tôi phải đối mặt với chính con ma cà rồng — thì dù tôi đang dưới sự quản lý của Gaen-san nên có lẽ chuyện sẽ không chuyển biến thành một trận chiến, nhưng tốt hơn hết là tôi nên giải quyết mọi việc trước khi Kagenui-san đến.
Theo chỉ dẫn định vị, tôi di chuyển từ Đại học Manase đến Bệnh viện Đa khoa Naoetsu bằng con đường ngắn nhất có thể. Sau khi đến nơi, tôi gọi vào số điện thoại của chiếc PHS của Gaen-san mà tôi có được khi chia tay cô ấy, và nhờ cô ấy nói cho tôi biết phòng bệnh của Kuchimoto-chan - tôi đã ngu ngốc mà tự hỏi, giờ khi đã có nạn nhân thứ ba, liệu có nên để tất cả họ cùng ở một phòng lớn cho tiện, nhưng có vẻ Gaen-san muốn giữ họ riêng biệt.
Chà, nếu những người liên quan đến các nữ sinh (chủ yếu là gia đình họ) mà chia sẻ thông tin lạ với nhau, chắc chắn sẽ gây ra một chấn động lớn — có lẽ sẽ tốt hơn nếu xử lý từng trường hợp một riêng rẽ, với lý do “nguyên nhân chưa rõ”, dưới vỏ bọc bảo mật, để giữ hiện tượng siêu nhiên kinh khủng này trong vòng bí mật và tránh gây hoảng loạn.
Tất nhiên, việc đó cũng phải có giới hạn chứ, nhưng...
“Này, Koyomin. Em về nhanh thật đấy, phải hông nè?”
Bên cạnh Kuchimoto-san, người đã thay đồ bệnh nhân và nằm trên giường giống hai người trước cô, Gaen-san, đang đặt một thứ bùa gì đó (phong ấn ma cà rồng chăng?), quay sang nhìn tôi.
“Giải được mật mã chưa? Chị sẽ mừng lắm nếu em nói là được rồi. Bên chị có chuyện hơi phiền phức một chút, nên chị rất mong được nghe tin vui.”
“Hừm. Thật lạ lùng khi có chuyện phiền toái xảy ra với chị khi em không có mặt.”
“Hẳn vậy.”
Dù cô ấy không nói rõ chi tiết, có vẻ thật sự đã xảy ra chuyện phiền phức gì — tuy nhiên, thật tiếc là tôi không thể trở về với tin vui nào để bù đắp cho chuyện đó.
Nhờ có Meniko, mật mã mà tôi được giao đã được giải ra, nhưng điều đó không thay đổi được việc tôi vẫn chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì — tất nhiên, đây chỉ là phán đoán của một tay nghiệp dư.
Có lẽ, nếu tôi trình bày lời giải của Meniko (bản giải mã) cho Gaen-san, một chuyên gia, thì nó có thể sẽ được cô ấy nhận ra ngay lập tức.
“Bạn em, người đang chuyên ngành mật mã, giải nó chỉ trong có 10 giây. Quả là hơi nhanh quá mức để thấy thoả mãn, nhưng sau cùng thì đó chỉ là mật mã do một nữ sinh nghĩ ra.”
Nhưng bản thân mật mã không phải thứ không thể giải ra.
Tôi đặt bộ thẻ nhớ lên kệ bên cạnh giường và cố gắng trình bày lời giải một cách ngắn gọn.
“‘B777Q’. Nếu ta tách ra, nó gồm có chữ ‘B’ và ‘Q’ với ba số bảy ở giữa, nhưng điểm chung giữa ‘B’ và ‘Q’ là gì? — mà, em cũng đâu cần phải khoe khoang như thế này trước mặt chỉ nhỉ, Gaen-san.”
“Không, rất thú vị. Tiếp tục đi.”
Dù cô ấy có khuyến khích tôi...
Chà, tôi cũng thấy vui vì cô ấy đồng ý nghe tôi tự thanh minh như vậy. Hóa ra khi nói chuyện trực tiếp với cô ấy, tôi cũng nhận ra vài điểm tốt.
“Vậy, tóm lại, đối với hai chữ hoa ‘B’ và ‘Q’ vốn trông khác hẳn nhau khi viết in hoa, thì khi viết thường thành ‘b’ và ‘q’, chúng lại có cùng hình dạng, chỉ khác là bị xoay ngược — và nếu coi chúng có cùng hình dạng, thì có một cặp số Ả Rập cũng có hình dạng tương tự.”
“Đúng rồi. Chị biết điều đó nhờ chơi Uno mà.”
“Ừm, biết điều đó nhờ chơi Uno hay không cũng không quan trọng.”
Đó là số “6” và “9”.
Và, như bạn thấy đấy, “6” và “9” phần nào có hình dạng giống “b” và “q” — nói cách khác, sau khi thay thế, ta có thể viết lại phương trình là “B777Q” = “67779”.
“B777Q” = “67779”.
“Ồ hô. Chị hiểu rồi, chị đang bắt được rồi đấy. Nhưng số ‘67779’ đó chính xác là có ý nghĩa gì? Em có cách giải thích nào cho nó không?”
“Mặc dù bạn em dự định học chuyên ngành mật mã, nhưng bạn ấy, giống như em, là sinh viên ngành toán, nên khi thấy một dãy số như thế này, bạn ấy sẽ nghĩ ngay đến phân tích thừa số nguyên tố đầu tiên, chị thấy đó..”
“Kiểu người thật phiền phức.”
“Quả đúng vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi không phân tích thừa số nguyên tố, cũng rõ như ban ngày rằng ta có thể tách ‘67779’ thành ba số nguyên tố: ‘67/7/79’.”
“Cái đó rõ như ban ngày sao? Thứ đó còn mờ mịt hơn nhìn thấy ma ấy chứ.”
Gaen-san nhún vai như thể cổ đang ngạc nhiên.
Ngay cả một chị gái biết hết mọi thứ cũng không thể biết rõ bằng một người cuồng mật mã và cuồng số nguyên tố như thế này.
“Vậy? Giờ cậu giải thích ‘67/7/79’ như thế nào tiếp?”
Tất nhiên, không cần tôi giải thích thế nào là số nguyên tố, Gaen-san đã tìm ngay bước tiếp theo của việc giải mã — cô ấy quả thật biết cách tận dụng người khác.
“À, trước đó chúng ta có bước chuyển bảng chữ cái thành số Ả Rập, đúng không? Vậy giờ ta sẽ làm ngược lại theo cách chính thống: biến các số Ả Rập này thành các chữ cái trong bảng chữ cái.”
“Hmm... Vậy là ‘S/D/V’ à?”
Cổ sắc bén thật.
Đúng vậy… “67” là số nguyên tố thứ 19 nếu bạn đếm từ số “2”. Tương tự, “7” là số thứ 4, và “79” là số thứ 22.
“67/7/79” = “S/D/V”.
“Nếu bạn em có thể giải được trong mười giây, thì chị không thể xem thường sinh viên đại học ngày nay được rồi ha. Thôi thì, chị chưa có phàn nàn gì đâu, nhưng chị vẫn chưa hiểu ‘S/D/V’ nghĩa là gì. Còn phần khác nữa đúng không?”
“Vâng... chắc chị cũng nhận ra rồi đấy, Gaen-san, nhưng mỗi tấm thẻ nhớ đều có mặt sau... Và ở mặt sau, bằng nét chữ giống hệt mặt trước, có ghi số ‘231’.”
“Chị thì chưa nhận ra chuyện đó đâu. Đừng đánh giá chị gái này quá cao, vì chị chẳng muốn làm các cô cậu trẻ thất vọng đâu. ‘231’? Vì nó chia hết cho ‘3’ nên đương nhiên không phải số nguyên tố rồi. Dù sao thì trong các tác phẩm của Maurice Leblanc[note75928], chị nhớ có cái gì đó như ‘313’.”
“Vì nó được viết riêng trên mặt sau, ta không nên coi đó là một mật mã khác, mà là một chìa khóa phụ dùng như gợi ý... Tức là nó có thể chỉ thứ tự.”
“Thứ tự? Vậy ta sẽ lấy ba chữ cái được mã hóa ở mặt trước, rồi xếp theo thứ tự ‘2-3-1’, kiểu như xáo chữ? Vậy là ‘S/D/V’ sẽ thành ‘D/V/S’...”
“‘S/D/V’ = ‘D/V/S’.”
Rất có thể, để tạo cảm giác hoàn hảo, đoạn mã đã được sắp xếp lại thành ba số bảy “777”, và đây là một thao tác để đưa mọi thứ về đúng chỗ ban đầu.
Ngay cả tôi cũng thấy “B777Q” trông đẹp mắt hơn “77QB7”.
Gộp tất cả lại...
“B777Q” = “b777q” = “67779” = “67/7/79” = “S/D/V” = “D/V/S”.
Vậy là xong—tôi thấy vui khi được Meniko đánh giá cao với câu “Araragi-chan, người thông minh hơn tớ nhiều”, nhưng thật sự thì, Meniko à, để đi đến được một kết luận như vậy, đối với tớ đó là điều không thể.
Tuy nhiên, đối với một người cuồng mật mã như Meniko, việc giải mã của cô ấy chỉ đến được đây — chỉ vì “S/D/V” chuyển thành “D/V/S” cũng không thay đổi được sự thật rằng... nó hoàn toàn vô nghĩa.
Chúng tôi chỉ có thể giải mã đến thế vào lúc này.
Tuy nhiên, nếu Gaen-san cứ tiếp tục nói “Chị vẫn chưa hiểu. Vẫn còn nữa đúng không?”, thì tôi chỉ còn biết giơ tay đầu hàng — nhưng chị gái biết tuốt thì lại im lặng.
“.....”
Không tiếp tục tra hỏi, cũng chẳng đưa ra suy luận gì của riêng mình, cô đặt tay lên môi, lặng lẽ tỏ vẻ như đang lạc trong suy tư.
Phải chăng có một cách lý giải nào đó mà chỉ một chuyên gia như cô mới có thể đưa ra, đúng như tôi mong đợi? Liệu “D/V/S” có phải là một thuật ngữ chuyên môn nào đó... chẳng hạn như kiểu “Dracula Vampire Soulless”...
Nhưng, như thể đang khiển trách tôi vì nghĩ ra điều ngớ ngẩn như vậy, Gaen-san nói, “Đây đúng là viết tắt, nhưng là viết tắt dạng chữ cái đầu đấy, Koyomin. Ví dụ — chữ cái đầu của một cái tên như: ‘Deathtopia Virtuoso Suicidemaster’.”
“D/V/S” = “DEATHTOPIA VIRTUOSO SUICIDEMASTER”.